Cuối tháng 4/2007, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) đã tổ chức hội thảo về thị trường giao dịch cổ phiếu phi tập trung (OTC) nhằm thiết lập mô hình thị trường giao dịch OTC theo hình thức mới, sẽ được triển khai và áp dụng rộng rãi vào tháng 7/2007. Hiện SBS cũng đang chuẩn bị để cho ra đời thị trường cổ phiếu OTC đúng nghĩa.
Theo ông Bùi Nguyên Hoàn, Trưởng đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Tp.HCM, Việt Nam chưa có thị trường giao dịch chứng khoán OTC đúng nghĩa. Các hoạt động giao dịch của những cổ phiếu chưa đủ điều kiện niêm yết lên sàn lâu nay mà mọi người thường gọi là cổ phiếu OTC thực chất mới chỉ là các hoạt động của hình thức thị trường giao dịch tự do, nơi mua bán cổ phiếu dưới hình thức trao tay.
Tại Tp.HCM, các khu vực được giới nhà đầu tư cổ phiếu gọi là “chợ” cổ phiếu OTC là phố cà phê ở khu vực Công trường Hồ Con Rùa (quận 3) và các quán cà phê gần các trung tâm giao dịch chứng khoán.
Lâu nay, hoạt động mua bán cổ phiếu trên thị trường cổ phiếu OTC ở Việt Nam thường diễn ra với 2 hình thức: người đầu tư cổ phiếu tự tìm kiếm người mua hoặc bán và trực tiếp giao dịch với nhau. Hình thức thứ 2 là các nhà đầu tư cổ phiếu mua và bán thông qua các “cò” cổ phiếu.
Phương thức giao dịch cổ phiếu trao tay trên thị trường Việt Nam hiện nay chứa đựng rất nhiều rủi ro, bởi vì các cuộc giao dịch mua bán cổ phiếu không bị lệ thuộc vào một nguyên tắc nào nên hoạt động giao dịch chịu nhiều tác động của nguồn thông tin.
Trong khi ấy, nguồn thông tin trên thị trường OTC ở Việt Nam luôn bị “nhiễu”, hầu hết các thông tin là thông tin hành lang và có rất nhiều tin đồn, tin “thổi”, vì thế giá cổ phiếu bị nguồn thông tin chi phối. Hàng ngày, chỉ cần xuất hiện thông tin “xấu” về tình hình hoạt động của công ty lập tức giá cổ phiếu của công ty ấy trên thị trường OTC sẽ giảm ngay, ngược lại với những nguồn thông tin tốt giá cổ phiếu sẽ được đẩy lên rất cao, cao hơn hẳn giá trị thực của cổ phiếu.
Trong 2 tháng cuối năm 2006 và tháng 1/2007, khi thị trường niêm yết liên tục nóng, thị trường OTC còn nóng bỏng hơn, giá nhiều cổ phiếu có tên tuổi trên thị trường OTC (Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Toàn Thịnh Phát, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Mekophar, Dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC…) tăng rất mạnh, tăng 30%-40% chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Từ giữa tháng 3/2007 đến nay, giá cổ phiếu trên thị trường OTC lại rớt mạnh do tác động của thị trường cổ phiếu niêm yết, mức giảm 20-30%, nhiều cổ phiếu giá giảm trở về mức giá tháng 10/2006.
Với nguồn thông tin không rõ ràng, giá cổ phiếu OTC biến động liên tục sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư. Người mua và bán dễ dàng đổi ý khi nắm được nguồn thông tin. Không chỉ vậy, các nhà đầu tư cổ phiếu OTC lại phải chịu rất nhiều thiệt thòi vì không rõ các thông tin về các doanh nghiệp.
Với kiểu hoạt động động của thị trường cổ phiếu OTC tại Việt Nam hiện nay, không chỉ có tỉ lệ kết quả giao dịch thành công không được đảm bảo, mà nhà đầu tư còn có thể bị lừa bằng nhiều hình thức khác nhau như làm cổ phiếu giả, tung tin để “làm giá”, tung tin mù mờ về doanh nghiệp và đồn thổi tình hình kinh doanh, những dự án đầu tư của doanh nghiệp lên “mây xanh”.
Những công ty cổ phần chưa đăng ký là công ty cổ phần đại chúng không bị bắt buộc công bố thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như công ty cổ phần đại chúng và các công ty niêm yết trên các trung tâm giao dịch chứng khoán nên giới “cò” tha hồ thao túng, nhiễu loạn thị trường OTC.
Giới “cò” chuyên nghiệp làm giá ảo rất điêu luyện trên mạng bằng cách ào ạt tạo ra cầu giả tạo để kích cơn sốt giá hoặc tạo nguồn cung rất lớn trong thời gian ngắn để dìm giá. Tuy nhiên, giao dịch cổ phiếu trên thị trường trao tay diễn ra sôi động không kém các họat động giao dịch của cổ phiếu trên sàn.
Theo mô hình thị trường giao dịch cổ phiếu OTC ở các nước trên thế giới, cổ phiếu OTC vẫn được giao dịch như các giao dịch của một cổ phiếu chính thống trên sàn. Sắp tới đây tại Việt Nam cũng sẽ hình thành thị trường giao dịch cổ phiếu OTC đích thực. Khi ấy, tất cả các giao dịch các cổ phiếu chưa đủ điều kiện niêm yết của các công ty đại chúng sẽ phải giao dịch qua thị trường OTC với sự giám sát của các cơ quan chức năng và tổ chức giao dịch theo các hình thức như một cổ phiếu đã niêm yết.
Với mô hình thị trường OTC sẽ tổ chức sắp tới ở Việt Nam, các công ty cổ phần đại chúng khi phát hành cổ phiếu cũng sẽ phải lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký chứng khoán. Nhà đầu tư cũng phải mở tài khoản, ký quĩ tại công ty chứng khoán khi thực hiện giao dịch mua hoặc bán cổ phiếu. Các hoạt động giao dịch mua, bán cổ phiếu của nhà đầu tư đều được thực hiện trên sàn giao dịch OTC theo phương thức thoả thuận.
Tuy nhiên đối với cổ phiếu giao dịch trên sàn OTC sẽ có số điểm khác biệt về cách thức giao dịch và đặt lệnh như: không có có biên độ khống chế về giá giao dịch cũng như giá tham chiếu. Thời gian khớp lệnh của hệ thống kéo dài từ 10-15 giờ/ngày. Nhà đầu tư được phép mua và bán cùng 1 loại cổ phiếu trong cùng 1 ngày giao dịch. Nguyên tắc khớp lệnh cho giao dịch trên thị trường OTC là ưu tiên về giá và ưu tiên về mặt thời gian.
Ông Nguyễn Hồ Nam, Giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cho rằng, với những đặc điểm của mô hình giao dịch thị trường OTC sắp tới đây sẽ giúp các nhà đầu tư an toàn hơn trong quá trình đầu tư cổ phiếu OTC vì cổ phiếu có tính thanh khoản cao.
Khi mua hoặc bán, nhà đầu tư sẽ được các công ty chứng khoán tham vấn về thông tin của cổ phiếu hoặc giá cả của cổ phiếu đó trên thị trường tại thời điểm giao dịch. Dù cho thị trường biến động nhưng mức độ giao dịch cổ phiếu thành công sẽ cao hơn vì cả người bán và người mua đều phải có đủ tiền và cổ phiếu trong tài khoản mới được thực hiện giao dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét